Vinalines

Cạnh tranh trong AEC, doanh nghiệp logistics phải giảm chi phí dịch vụ

Ngành logistics Việt Nam có rất nhiều thế mạnh để phát triển, nhưng chi phí dịch vụ logistics còn khá cao so với các nước trong khu vực. Để cạnh tranh khi hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) nhất thiết phải giảm bằng được chi phí này. Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị giao thương logistics quốc tế được tổ chức tại TP.HCM ngày 27/11/2015.

Nhận định về ngành logistics Việt Nam, các chuyên gia trong và ngoài nước đều đánh giá ngành logistics Việt Nam có rất nhiều thế mạnh để phát triển như: Hệ thống cảng biển lớn; có nhiều điểm thông quan nội địa (ICD) nằm sâu trong đất liền để phục vụ trung chuyển container; các DN logistics trong nước đang sở hữu hệ thống kho bãi rộng khắp cả nước…

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Nguyễn Nhật, Việt Nam xếp thứ 48 toàn cầu và thứ 4 trong các nước ASEAN về chỉ số phát triển logistics. Việt Nam hoàn thành việc xác định 18 tuyến quốc tế đường bộ. Các cảng biển Việt Nam đã đầu tư, xây dựng quy mô lớn, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng trên 100.000 tấn; có 70 đường bay quốc tế… rất có lợi thế để phát triển dịch vụ logistics. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế về điều kiện tự nhiên và tiềm năng của ngành, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho rằng, hiện nay vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm để ngành logistics Việt Nam “cất cánh” trong quá trình gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia các Hiệp định thương mại đã và đang ký kết.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, hầu hết các DN cung cấp dịch vụ đều là DN nhỏ, chưa mang tính chuyên nghiệp cao, chưa tham gia nhiều vào chuỗi logistics quốc tế. Từ thực tế, các DN cần khẩn trương triển khai cơ sở hạ tầng kết nối các cảng biển; đầu tư xây dựng kho bãi, hậu cần phục vụ phát triển các dịch vụ logistics; thành lập DN vận tải đa phương thức, cung cấp dịch vụ trọn gói; ứng dụng thủ tục điện tử trong thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian và giảm chi phí…

Là một trong chuyên gia đầu ngành về logistics, ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết chi phí logistics của Việt Nam còn quá cao, hiện chiếm 20% GDP, trong khi chi phí logistics ở các nước phát triển chỉ chiếm 7% - 10% GDP. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, trong đó có phân bố cơ sở hạ tầng không hợp lý, thủ tục thông quan hàng hóa còn rườm rà, cầu nối logistics và cơ sở hạ tầng còn kém nên mất nhiều thời gian. Muốn phát triển, bản thân các DN logistics Việt Nam cũng phải chào giá tốt trong vận tải.  (50 – 60% chi phí trong logistics là vận tải).

Các chuyên gia cũng cho rằng, đối với ngành logistics, để đạt sự cân bằng về thị phần, cần phải quy về bài toán ngành logistics Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển nào của ngành logistics thế giới và có vai trò đến đâu trong nền kinh tế của đất nước để tìm ra đáp án chính xác cho các chiến lược phát triển đồng bộ. Tiếp đến, cần nhận thức đầy đủ về logistics là một chuỗi dịch vụ từ quản lý nguyên vật liệu đầu vào, tổ chức sản xuất, thủ tục hải quan, phân phối, cứu hộ, tổ chức vận chuyển đưa hàng tới tay người tiêu dùng, để từ đó hoàn thiện các dịch vụ gia tăng của chuỗi cung ứng, làm tăng hiệu quả kinh tế của ngành…