Giải pháp phát triển logistics Vùng đồng bằng sông Cửu Long

Theo bảng xếp hạng của Agility 2023, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng 10 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. (Nguồn: Bộ Công Thương)

1. Vai trò logistics đối với phát triển Vùng đồng bằng sông Cửu Long

Logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư, tăng cường liên kết trong hệ thống kinh tế quốc tế. Hoạt động logistics hiệu quả giúp giảm chi phí vận chuyển, hạ giá thành sản phẩm, tăng cường năng lực cung ứng và đóng vai trò là yếu tố đi trước cho hoạt động sản xuất, phân phối, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp, hàng hóa. Sự phát triển của logistics còn góp phần thu hút dòng vốn đầu tư, tạo lợi thế hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế.

Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định mục tiêu ưu tiên tập trung phát triển lĩnh vực logistics, trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, sáng tạo, ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ, Cách mạng công nghiệp 4.0; có khả năng tự chủ và thích ứng linh hoạt trước ảnh hưởng tiêu cực từ các cuộc khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh mang tính toàn cầu. Sự phát triển của lĩnh vực logistics có ý nghĩa đối với việc hoàn thành mục tiêu đưa khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao (thời kỳ 2021  2030, tốc độ tăng trưởng khoảng 7 – 8%; đến năm 2030, tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm khoảng 50% GDP, thời kỳ 2030 – 2050 chiếm tỷ trọng khoảng 60% GDP).

Vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, chiếm 13% diện tích và 18% dân số cả nước, giữ vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế và sự phát triển chung của cả nước. Vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, cơ hội, lợi thế phát triển; là trung tâm sản xuất lớn nhất cả nước về lương thực, thực phẩm, thủy sản, trái cây… Theo mục tiêu phát triển đề ra đến năm 2030, tăng trưởng bình quân của Vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 – 2030 đạt khoảng 6,5 – 7%/năm, quy mô nền kinh tế năm 2030 gấp 2 – 2,5 lần so với năm 2021, dẫn tới nhu cầu rất lớn đối với dịch vụ logistics.

Phát triển lĩnh vực logistics là một giải pháp cấp bách để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu đặt ra là phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics gắn với hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải, tăng cường kết nối vùng, kết nối với hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế, các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp; phát triển đường thủy nội địa, các cụm cảng hàng hóa, hệ thống cảng chuyên dùng; hoàn thành hệ thống cảng biển, nâng cấp luồng hàng hải; mở rộng cảng hàng không; đẩy nhanh tiến độ các dự án cảng container; phát triển vận tải đa phương thức.

2. Lợi thế phát triển logistics

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế, tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển logistics.

Thứ nhất là vị trí địa lý chiến lược, với 700 km đường bờ biển, vùng biển và thềm lục địa rộng 360 nghìn km2, nằm sát tuyến hàng hải Đông – Tây, tiếp cận tuyến đường biển chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Thứ hai là điều kiện tự nhiên với hệ thống sông dài 28 nghìn km, trong đó có nhiều con sông lớn và hệ thống kênh thuận lợi cho vận tải đường thủy, có 05 tuyến đường thủy nội địa với gần 1.600 km.

Thứ ba là có nhu cầu logistics rất lớn. Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 1,5 triệu ha đất trồng lúa, đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu, gần 70% sản lượng trái cây… Nhu cầu vận tải hàng hóa trong Vùng đồng bằng sông Cửu Long rất lớn, khoảng 140 triệu tấn/năm. Vùng đồng bằng sông Cửu Long có vai trò rất quan trọng đối với việc thực hiện thành công Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 (tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa cả nước bình quân 6 – 7%/năm, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5 – 6%/năm thời kỳ 2021 – 2030).

Thứ tư là hệ thống hạ tầng liên quan đến logistics đã được quy hoạch bổ sung, đang triển khai đầu tư xây dựng. Về cảng cạn: khu vực phía Nam được quy hoạch với công suất khoảng từ 6,8 – 9,5 triệu Teu/năm. Về vận tải thủy: khu vực miền Nam có 04 hành lang vận tải thủy[1]; 26 tuyến vận tải thủy chính với tổng chiều dài 3.043 km; 21 cụm cảng hàng hóa, tổng công suất khoảng 153 triệu tấn. Về đường sắt: khu vực phía Nam được quy hoạch tuyến thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ dài khoảng 174 km; tuyến thành phố Hồ Chí Minh – Lộc Ninh đến biên giới Việt Nam – Campuchia dài 128 km. Về cảng biển: khu vực phía nam được quy hoạch 12 cảng biển, hàng hóa thông qua từ 64 – 80 triệu tấn/năm[2]Về đường bộ: khu vực phía Nam, được quy hoạch 10 tuyến cao tốc (1.290 km), 17 tuyến quốc lộ chính yếu (2.426 km), 27 tuyến quốc lộ thứ yếu (3.139 km).

3. Thực trạng lĩnh vực logistics

Hiện tại, hạ tầng và dịch vụ logistics Vùng đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế, chi phí logistics tương đối cao, ảnh hưởng đến hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành và là điểm nghẽn cần được giải quyết để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả cho các ngành hàng chủ lực. Theo thống kê, khoảng 70 – 75% nhu cầu hàng hóa của Vùng đồng bằng sông Cửu Long phải vận chuyển đến cụm cảng ở TP. Hồ Chí Minh và Cái Mép – Thị Vải, nên chi phí bị đẩy lên cao. Bên cạnh đó, vận chuyển đường bộ chiếm tỷ trọng quá cao, khoảng 60 – 70%, trong khi lợi thế vận tải thủy chưa được khai thác tốt, do năng lực hệ thống thủy nội địa còn hạn chế (thời gian vận tải dài, chi phí còn cao).

Hạ tầng logistics vừa thiếu, vừa không đồng bộ. Hệ thống cảng biển chủ yếu quy mô nhỏ, thiếu cảng nước sâu cho vận chuyển container, chưa có các cảng cạn. Hệ thống giao thông đường bộ còn thiếu, thiếu tính liên kết, kết nối, nhất là chưa có nhiều các tuyến cao tốc, chưa có hệ thống đường sắt. Các cảng hàng không chủ yếu là vận chuyển hành khách.

Các trung tâm logistics quy mô hạn chế, hệ thống kho bãi còn thiếu về số lượng, năng lực đáp ứng, phân bổ không đồng đều. Năng lực xếp dỡ thấp, công nghệ lạc hậu, chủ yếu bốc xếp hàng dời, khả năng đáp ứng vận tải container hạn chế. Hệ thống kho bãi, hậu cần chưa được đầu tư đồng bộ, còn thiếu các trung tâm logistics, nhất là các trung tâm quy mô lớn, trung tâm logistics chuyên ngành.

Số lượng doanh nghiệp logistics còn ít, khoảng 1.500 doanh nghiệp nhưng đa số quy mô nhỏ, hoạt động phân tán, chủ yếu cung cấp dịch vụ vận tải và kho bãi. Dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở các hoạt động đơn lẻ nên gây chậm trễ, phát sinh thêm chi phí. Phần lớn các doanh nghiệp nông sản tự cung cấp hạ tầng logistics nên chi phí cao, làm giảm khả năng cạnh tranh.

4. Định hướng phát triển

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và logistics được xác định là một trong những giải pháp đột phá đưa Vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững. Là lĩnh vực không thể thiếu trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, do đó, định hướng phát triển lĩnh vực logistics cần bám sát quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, vùng, địa phương, các ngành; đặc biệt là các xu thế kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế.

Thứ nhất, phát triển lĩnh vực logistics phải bám sát và cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, vùng, quy hoạch địa phương; khu vực dịch vụ, ngành, lĩnh vực liên quan. Logistics có vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy các hoạt động kinh tế, xã hội, đời sống, do đó để thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế – xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương đòi hỏi lĩnh vực logistics phải bám sát các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch đã được phê duyệt.

Thứ hai, phát triển lĩnh vực logistics gắn với 6 xu hướng: (1) Bám sát sự chuyển dịch dòng đầu tư; đa dạng hóa mạng lưới sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào một nguồn duy nhất; (2) Thích ứng được với sự dịch chuyển, định hình lại các chuỗi cung ứng, hạn chế rủi ro đứt gãy do thiên tai, dịch bệnh; rủi ro trừng phạt, chiến tranh thương mại, kinh tế; (3) Khai thác hiệu quả lợi thế địa chính trị; (4) Hướng tới liên minh, liên kết để tận dụng lợi thế về quy mô; (5) Chú trọng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số; (6) Đáp ứng yêu cầu phù hợp với biến đổi khí hậu, yêu cầu phát triển xanh, thân thiện môi trường.

Thời gian qua, yêu cầu tối ưu hóa sản xuất và chi phí, dịch bệnh, cạnh tranh chiến lược, sự phát triển khoa học công nghệ đã thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng nhằm phân tán và giảm thiểu rủi ro do đứt gãy. Việt Nam có nhiều hiệp định thương mại tự do tạo lợi thế rất lớn cho các vùng kinh tế trọng điểm như Vùng đồng bằng sông Cửu Long đón dòng chuyển dịch đầu tư, định hình lại chuỗi cung ứng. Do đó việc quy hoạch, hoạch định chính sách đối với lĩnh vực logistics Vùng đồng bằng sông Cửu Long phải tính toán các xu hướng trên để bảo đảm sự bền vững, hiệu quả.

Thứ ba, phát triển lĩnh vực logistics theo 6 mục tiêu: (1) Tối ưu hóa vận tải hàng thương mại của vùng và các địa phương; (2) Thúc đẩy vận tải đa phương thức, giảm chi phí dịch vụ vận tải và logistics; (3) Khai thác tối đa điều kiện tự nhiên của vùng và các địa phương; (4) Phát triển đột phá các hành lang vận tải lớn; (5) Phát triển các cửa ngõ vận tải lớn có năng lực hàng hóa lớn và vươn xa trong nước và quốc tế; (6) Hiện đại hóa các chuỗi cung, thiết lập mạng lưới, trung tâm phân phối nhiều cấp.

Thứ tư, phát triển logistics gắn với 5 phương hướng: (1) Phát triển các cảng cạn gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm logistics, cửa khẩu đường bộ, đường sắt quốc tế; (2) Phát triển đường thủy nội địa để khai thác tối đa lợi thế của vùng, lợi thế phương thức vận tải lớn, chi phí thấp; (3) Phát triển đường sắt tạo đột phá trên các hành lang vận tải chính, phát huy thế mạnh vận tải khối lượng lớn, cự ly từ trung bình đến dài; (4) Phát triển hạ tầng hàng hải là phương thức vận tải chủ đạo, nhất là vận tải hàng hóa quốc tế; (5) Phát triển hạ tầng đường bộ tạo kết nối hiệu quả giữa các loại hình và đầu mối vận tải, hỗ trợ gom và giải tỏa hàng hóa cho các phương thức vận tải khác.

5. Đề xuất các nhóm giải pháp

Thời gian qua, lĩnh vực logistics đã được chú trọng, hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển, góp phần thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ theo hướng hiện đại, hiệu quả. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn tới, lĩnh vực logistics cần tiếp tục triển khai những nhóm giải pháp mạnh mẽ để tạo sự phát triển đột phá, nhất là ở các trung tâm kinh tế lớn như Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

(1). Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách

– Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics và vận tải theo hướng bao quát toàn diện các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logistics; tập trung sửa đổi, ban hành mới chính sách, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới.

– Hoàn thiện chính sách đất đai, xây dựng, đầu tư khuyến khích, ưu đãi cho doanh nghiệp logistics, đầu tư hạ tầng logistics; tạo thuận lợi cho phát triển hệ thống kho bãi, trung tâm logistics; thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực logistics; khuyến khích đầu tư tư nhân, hình thức hợp tác công tư (PPP).

– Nâng cao quản lý nhà nước, tích cực tháo gỡ các khó khăn, rào cản, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Tăng cường các cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển hoạt động dịch vụ logistics, doanh nghiệp logistics trong nước. Hoàn thiện các quy định về cơ chế, chính sách tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí phù hợp với cơ chế thị trường để thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng logistics.

– Đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Hoàn thiện quy định pháp luật về xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành theo hướng tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa; triển khai hệ thống giao dịch không giấy tờ tại các điểm hải quan, cửa khẩu. Nghiên cứu mô hình quản lý cảng phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư, khai thác cảng biển, cụm cảng biển.

(2). Nhóm giải pháp về quy hoạch, đầu tư

– Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, các công trình có tính lan tỏa, hoàn thiện kết nối giao thông, trước hết là hệ thống đường bộ cao tốc để tạo kết nối liên vùng, kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu quốc tế, các đô thị.

– Thực hiện tốt công tác quy hoạch, bảo đảm tính đồng bộ, liên thông giữa các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành và lĩnh vực để phát triển hạ tầng giao thông vận tải, phát triển ngành dịch vụ logistics.

– Xây dựng quy hoạch hệ thống logistics đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, ngành, lĩnh vực cả nước, của vùng, của địa phương; phát triển mạnh mẽ, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với các đầu mối vận tải lớn như cảng hàng không, cảng biển,…

– Tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp các cảng, nhất là các cảng trung chuyển khu vực và thế giới; hạ tầng logistics, hệ thống kho thông minh, hiện đại, các trung tâm đầu mối logistics.

– Nâng cấp các luồng tuyến vận tải thủy nội địa, phát triển giao thông đường thủy nội địa kết nối với Campuchia và hệ thống cảng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh, Cái Mép – Thị Vải.

(3). Nhóm giải pháp về thị trường

– Đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa, giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường biển, đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính.

– Khẩn trương xử lý các điểm hạn chế của chuỗi cung ứng như năng suất các cảng biển, cảng cạn, cảng thủy nội địa, kho bãi và điểm trung chuyển; thúc đẩy phát triển nhanh các phương thức vận tải hàng hóa chi phí thấp.

– Tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, phát huy tối đa vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics để giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Tái cấu trúc logistics, trong đó thúc đẩy sự phát triển các loại hình logistics (3PLs, 4PLs, 5PLs) để phát triển thị trường logistics trong nước.

– Đẩy mạnh phát triển ngành logistics hài hòa giữa các vùng miền, hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững. Phát triển đa dạng các trung tâm phân phối tại các thành phố, đô thị lớn trên cả nước nhằm phục vụ thị trường bán lẻ, các trung tâm logistics gần các khu công nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu.

– Mở cửa thị trường dịch vụ theo các cam kết quốc tế trên cơ sở đánh giá năng lực cạnh tranh của từng lĩnh vực; phân loại các lĩnh vực cần  bảo hộ, loại trừ mở cửa cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài để tận dụng thế mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời tạo không gian cho doanh nghiệp trong nước phát triển.

(4). Nhóm giải pháp về môi trường, khoa học công nghệ

– Xây dựng hạ tầng logistics phù hợp với các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng; kiểm soát, phòng ngừa và hạn chế  ô nhiễm môi trường. Khuyến khích, đẩy mạnh sử dụng năng lượng sạch trong hoạt động logistics.

– Tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng logistics, quản lý hoạt động vận tải, trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại; đẩy mạnh số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

– Đẩy mạnh ứng công nghệ trong logistics, tăng cường thúc đẩy tiêu chuẩn hóa trong khai thác như chứng từ, tiêu chuẩn công nghệ; phát triển các cổng thông tin logistics, áp dụng rộng rãi quản trị chuỗi cung ứng, quản trị logistics hiện đại.

(5). Nhóm giải pháp về nguồn nhân lực

– Tập trung đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics, vận tải, nhất là các chuyên gia logistics có năng lực ứng dụng và triển khai các thực hành quản trị logistics và chuỗi cung ứng theo kịp các nước công nghiệp phát triển.

– Gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là nhân lực trong lĩnh vực chuyển đổi số, ứng dụng và phát triển công nghệ mới.

– Đẩy mạnh liên kết đào tạo với các tổ chức quốc tế, các quốc gia; có cơ chế đặc thù để thu hút nhân lực chất lượng cao, đáp ứng đầy đủ về số lượng, chất lượng nhân lực lĩnh vực logistics.

Việt Nam, trong đó có Vùng đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước những cơ hội lớn để tham gia, nâng cao vị thế trong các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị quốc tế do xu hướng chuyển dịch sản xuất, đầu tư đang mang lại. Việc đề ra và triển khai thực hiện hiệu quả các chiến lược, kế hoạch phát triển lĩnh vực logistics sẽ nâng cao năng lực sản xuất và logistics của Vùng đồng bằng sông Cửu Long, là điều kiện quan trọng để hiện thực hóa các cơ hội này, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội toàn Vùng và các địa phương trong Vùng./.

ThS. Trần Thị Hoa Lý (Trường Đại học Điện lực)

Link: https://ngkt.mofa.gov.vn/giai-phap-phat-trien-logistics-vung-dong-bang-song-cuu-long/

Bài viết mới nhất

img9499-1726628360178423620499
acmecs-banner-website-02-03-2048x791
CM Nga
DHD 2024
tbtto-lam-1

Đối tác