Vinalines

KHƠI DẬY TIỀM NĂNG LOGISTICS

Tỉnh Hậu Giang có lợi thế về công nghiệp, có hệ thống đường bộ và đường thủy thuận lợi, song dịch vụ logistics vẫn chưa phát triển xứng tầm. Do vậy, nếu chú trọng đầu tư, Hậu Giang có thể phát triển các dịch vụ logistics cấp tỉnh với quy mô phù hợp với lượng hàng hóa, phạm vi hoạt động và kết nối với vùng ĐBSCL.

 

Hậu Giang đang từng bước hình thành trung tâm logistics phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế địa phương

 

Cung chưa đủ cầu

Theo số liệu thống kê, tỉnh Hậu Giang có Khu công nghiệp Sông Hậu và Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh với tổng diện tích 492ha (xếp thứ 3 về diện tích trong khu vực ĐBSCL, sau Long An, Tiền Giang). Hạ tầng 2 khu công nghiệp này được xem là đồng bộ để có thể khai thác được dịch vụ logistics. Dự báo đến năm 2020, các khu công nghiệp của tỉnh sẽ được lấp đầy và khi đi vào hoạt động với lượng hàng trung bình 1.000 tấn/ha/năm, nguồn hàng hóa cần vận tải từ địa bàn khu vực sẽ đạt gần 0,5 triệu tấn/năm. Các cảng địa phương, cảng khu công nghiệp sẽ là những đầu mối giao thông thủy chuyên chở hàng hóa hiệu quả bởi giá thành rẻ, khối lượng vận tải được nhiều hơn so với đường bộ. Hiện, có 3 cảng trên sông Hậu hoạt động gồm Cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang phục vụ cho tàu có tải trọng 20.000DWT, 2 cảng chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Nhà máy giấy Lee&Man và Tổng kho phân phối Vinafco tại Cụm công nghiệp tập trung Đông Phú.

Những năm qua, phần lớn các dịch vụ logistics liên quan đến sản xuất, thương mại, cung cấp dịch vụ còn manh mún, thậm chí nhiều dự án mang tính đột phá lại ì ạch tiến độ. Các công ty kinh doanh dịch vụ logistics trọn gói hầu như chỉ đáp ứng gói gọn nhu cầu vận chuyển lưu thông hàng hóa cho một vài doanh nghiệp. Hình thức thuê kho bãi, vận chuyển cũng chỉ dừng lại ở từng lĩnh vực hoạt động riêng lẻ chứ chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải, giữa vận tải với kho bãi. Cho nên thủ tục giao nhận thường gây ra chậm trễ, phát sinh chi phí cao và đặc biệt là phiền hà cho khách hàng. Đây chính là hạn chế khiến doanh nghiệp xuất khẩu giảm sức cạnh tranh do chi phí vận chuyển cao.

Mặt khác, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics trong nước vẫn còn yếu về vốn và “khát” nhân lực để thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình. Ông Đào Bá Khương, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Mekong Logistics, cho biết: “Khó tuyển nhân lực chính là điểm yếu của ngành logistics. Cụ thể là kể từ khi dự án  Mekong Logistics triển khai đến nay, công tác tuyển dụng nhân sự gặp nhiều vất vả. Nếu nhận vào 10 hồ sơ thì hầu như đều phải trả lại, bởi chất lượng đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của ngành. Do đó, Nhà nước cần kêu gọi mở rộng đào tạo cho ngành logistics, đồng thời có ưu đãi cho ngành và điều chỉnh, bổ sung hệ thống pháp lý về lĩnh vực này”.

Đánh thức tiềm năng

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, sự phát triển của ngành logistics thương mại đang là chiến lược tất yếu trong tăng trưởng kinh tế. Hậu Giang có đủ điều kiện phát triển và đưa hoạt động này lên một tầm cao mới. Bởi, thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu của nước ta nói chung và của tỉnh nói riêng đang rất sôi động. Với giá trị xuất nhập khẩu lên tới hơn 500 triệu USD năm 2016 và con số đó sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới. Vì thế, nếu chất lượng logistics càng được đầu tư thì sẽ là “cú hích” lớn với lĩnh vực xuất khẩu của tỉnh. Nhất là tỉnh đã xác định vai trò quan trọng trong việc tăng cường các dự án đầu tư phục vụ dịch vụ logistics, xây dựng cảng biển. Do vậy, cần phải tổ chức lại hoạt động logistics theo hướng bài bản, có đầu tư chiều sâu và triển khai một cách đồng bộ.

UBND tỉnh cũng vừa chấp thuận chủ trương thành lập Trung tâm Logistics cấp tỉnh đặt tại khu đất 87ha của Vinalines Hậu Giang (Công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng hải Hậu Giang – chủ đầu tư). Bên cạnh đó, tỉnh đang xúc tiến các doanh nghiệp logistics thương mại và xây dựng chiến lược phát triển theo hướng liên kết thành một trung tâm logistics trên địa bàn để phục vụ cho tỉnh. Do đó, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh để tăng độ bao quát thị trường và kéo giảm chi phí vận chuyển cho khách hàng. Dịch vụ logistics phát triển tương xứng với quy mô công nghiệp sẽ góp phần đem lại hiệu quả, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

Theo ông Võ Thanh Phong, Tổng Giám đốc Vinalines Hậu Giang, công ty đã thuê đơn vị tư vấn lập đề án đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng xây dựng Trung tâm Logistics Hậu Giang. Theo đề án, trung tâm xây dựng theo 3 hạng mục chính gồm khu cảng tổng hợp; khu dịch vụ cảng biển – logistics; các công trình đường giao thông, bến cảng thực hiện từ nay đến năm 2025… Để dự án phù hợp với quy mô cấp tỉnh, Vinalines Hậu Giang chuyển đổi toàn bộ Khu dịch vụ hàng hải trước đây (khoảng 29,8ha) xây dựng Trung tâm Logistics Hậu Giang. Nếu hoàn thành các thủ tục đúng tiến độ thì đến cuối năm sẽ bắt đầu triển khai giai đoạn 1 của dự án.

 

Lễ khánh thành, đưa vào hoạt động giai đoạn 1 dự án đầu tư xây dựng cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang

 

Trung tâm Logistics Hậu Giang kết nối trực tiếp với Cảng Vinalines Hậu Giang (có thể tiếp nhận tàu tải trọng 20.000DWT) và trung chuyển hàng tới cảng Cái Cui – thành phố Cần Thơ. Trung tâm này sẽ kết hợp cùng dự án Mekong Logistics của Công ty CP Mekong Logistics cùng các doanh nghiệp logistics thương mại khác tạo thành khu vực cung cấp các dịch vụ đa dạng, đồng thời kết nối với Trung tâm Logistics của vùng ĐBSCL đặt tại thành phố Cần Thơ.

Báo Hậu Giang

Link: http://vinalines.com.vn/vi/khoi-day-tiem-nang-logistics/